BÀI LIÊN QUAN
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lua gao. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lua gao. Hiển thị tất cả bài đăng

Xuất khẩu gạo năm 2014 & dự báo năm 2015

Xuất khẩu gạo năm 2014 là một cuộc cạnh tranh khốc liệt; đồng thời dự báo khó khăn này vẫn tiếp tục trong năm 2015
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến ngày 18-12-2014 cả nước đã xuất khẩu khoảng 5,96 triệu tấn gạo, giảm khoảng 11% so với mức 6,71 triệu tấn của cả năm 2013. Sang năm 2015, tình hình xuất khẩu gạo dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.

Mục tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trong cả năm 2014, giảm nhẹ so với mục tiêu 6,5 triệu tấn dự báo hồi đầu năm.

Năm 2014: cạnh tranh khốc liệt

Trong số gạo xuất khẩu trên, thị trường châu Á, châu Phi chiếm 83% lượng gạo xuất khẩu, còn lại là xuất sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 biến động khá mạnh trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt. Gần như trong suốt cả năm 2014, giá gạo Thái Lan rẻ hơn gạo Việt Nam – điều hiếm thấy trong lịch sử do Thái Lan có nguồn cung dồi dào, và đồng baht Thái nhiều giai đoạn mất giá mạnh khiến giá gạo Thái quy ra đô la Mỹ trở nên rẻ hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, năm 2014 cũng ghi nhận việc xuất khẩu được khối lượng gạo lớn sang Philippines, Malaysia và Indonesia, đồng thời vẫn duy trì tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc kể cả trong giai đoạn căng thẳng ở Biển Đông.

Sau khi giảm giá trong quí 1 (372 đô la Mỹ/tấn với loại 5% tấm vào trung tuần tháng 3), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc trở lại từ khi ký được hợp đồng lớn 800.000 tấn với Philippines.

Xuất khẩu gạo qua đường mậu biên sang Trung Quốc bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn khoảng 5-6 tuần (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7) do chính sách kiểm soát chặt chẽ gạo nhập khẩu trên toàn biên giới của nước này. Nhìn chung xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2014 vẫn tiến triển tốt, song tiến độ xuất khẩu sang thị trường này năm 2014 không còn đều đặn như những năm trước.

Tính chung trong cả năm 2014, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam ở mức 439 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) tăng 2% so với năm ngoái.

Năm 2015 vẫn nhiều khó khăn

Bước sang năm 2015, sau khi cân đối khối lượng gạo đã được giao cho đối tác với hợp đồng đã ký đến cuối năm 2014, doanh nghiệp hội viên VFA vẫn còn gần 1 triệu tấn gạo đang chờ giao cho đối tác trong năm 2015.

Theo một nguồn tin riêng của TBKTSG Online từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, đến cuối năm 2014, đã có tổng cộng khoảng trên 7 triệu tấn gạo được doanh nghiệp hội viên của VFA ký hợp đồng với đối tác.

Dù đã có trong tay lượng hợp đồng xuất khẩu tương đối khá, nhưng trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, nhận định xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Năng, tuy tín hiệu thị trường đã có như nhu cầu từ Philippines sau ảnh hưởng của cơn bão Hagupit hay nhu cầu từ Indonesia và Malaysia…, nhưng doanh nghiệp trong nước muốn giành được hợp đồng mới buộc phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, quốc gia đang thực hiện chiến lược xả kho gạo không lồ của mình.

Trong khi đó, có thông tin giữa Trung Quốc và Thái Lan đã ký bản ghi nhớ với nội dung Thái Lan sẽ bán cho Trung Quốc 2 triệu tấn gạo trong năm 2015. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích lúa gạo Việt Nam tỏ ra hoài nghi về việc này bởi trước đó, vào năm 2013 cũng từng xuất hiện thông tin Thái Lan đã đạt được thỏa thuận bán 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc, nhưng kết quả Thái chỉ bán được khoảng trên 300.000 tấn.

Một nguyên nhân khác cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không mấy lạc quan là Ấn Độ, Pakistan cũng đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với Việt Nam.

Thực tế, nếu như gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được chào bán với giá 380-390 đô la Mỹ/tấn, thì của Ấn Độ và Pakistan cũng lần lượt được chào bán ở mức tương đương, khoảng 385-395 và 380-390 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam là 350-360 đô la Mỹ/tấn, thì của Ấn Độ và Pakistan là 350-360 và 335-345 đô la Mỹ/tấn.

Theo: TBKTSG Online

Vùng nguyên liệu trong xuất khẩu gạo

Từ 1-3-2015, thương nhân xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu tương ứng với lượng gạo xuất khẩu trước đó.
Theo quyết định, quy mô tối thiểu ban đầu và lộ trình tối thiểu tăng dần vùng nguyên liệu của thương nhân giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công Thương xác định dựa trên lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2013 của từng thương nhân.

Đây là một những những quy định được Bộ Công Thương đưa ra trong Quyết định mới ban hành về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020. Mục đích của quy định này là chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân với nông dân, gắn kết lợi ích với trách nhiệm các bên trong quan hệ liên kết.

Đối với những thương nhân xuất khẩu gạo dưới 50.000 tấn/năm, trong năm đầu tiên phải xây dựng vùng nguyên liệu là 500 héc ta, từ năm thứ hai trở sẽ tăng thêm 300 héc ta mỗi năm. Thương nhân có lượng gạo xuất khẩu từ 50.000 đến dưới 100.000 tấn gạo/năm, năm đầu làm 800 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 500 héc ta.

Với những thương nhân xuất khẩu từ trên 100.000 đến dưới 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 1.200 héc ta, những năm sau mỗi năm tăng thêm 800 héc ta. Còn thương nhân xuất khẩu từ 200.000 tấn/năm, năm đầu làm 2.000 héc ta và những năm sau tăng thêm 1.500 héc ta.

Trong quyết định này, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương thức xây dựng vùng nguyên liệu để thương nhân lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình. Theo đó, doanh nghiệp có thể xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn, thứ hai là không xây dựng dự án hoặc phương án cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo với hộ nông dân hoặc đại diện của nông dân trồng lúa. Thứ ba là xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diện tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa.

Tuy nhiên, theo phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng may là trong quyết định nói trên của Bộ Công Thương không làm khó cho doanh nghiệp vì đưa ra nhiều phương án cho doanh nghiệp lựa chọn. Vì thế, đối với những doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để làm cánh đồng lớn sẽ chọn phương án ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Cách này, về lý thuyết có ưu điểm là doanh nghiệp sẽ không lo bị thương lái mua hết lúa vì đã có hợp đồng mua bán với nông dân rồi.

Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15-20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.

Theo quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10-12 thì những doanh nghiệp khi tham gia vào xây dựng cánh đồng mẫu lớn ngoài việc được ưu tiên có được những hợp đồng xuất khẩu gạo của Chính phủ còn được hỗ trợ những tài chính khác như thuê đất, xây dựng nhà máy xay xát, thuốc bảo vệ thực vật cũng như tiền tập huấn cho nông dân.

Nguồn: TBKTSG Online

Giá gạo tăng sau thông tin tạm trữ 1 triệu tấn

Cùng với tình hình xuất khẩu khả quan, giá gạo Việt Nam càng tăng sau thông tin tạm trữ 1 triệu tấn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện nguồn cung lúa, gạo từ vụ lúa Đông Xuân 2014-2015 của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang cao, nhất là sản lượng trong tháng 2 và tháng 3 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo.

Trong khi đó, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quí 1-2015 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cụ thể từ VFA cho thấy, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến ngày 31-1-2015 chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong đó còn 504.000 tấn từ năm 2014 chuyển sang. Điều này khiến cung vượt qua cầu, kéo theo giá lúa gạo trong nước sẽ có xu hướng giảm đáng kể.

Thời gian mua tạm trữ tính từ 1-3 đến hết 15-4. Phương thức tạm trữ sẽ thông qua đầu mối Hiệp hội Lương thực (VFA) phối hợp với UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp có tính đến sản lượng lúa hàng hóa của từng địa phương và ưu tiên tiêu thụ lúa hàng hóa từ cánh đồng mẫu lớn.

Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất ngân hàng tối đa 4 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ kể từ ngày mua đến hết 1-7.

Thông tin Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo phát đi trong ngày hôm qua (13-2) đã khiến giá lúa gạo thị trường nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn đang tăng càng tăng mạnh thêm.

Ngoài tác động tích cực từ thông tin Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia tăng mạnh cũng kích thích giá lúa gạo tăng mạnh trở lại thời gian gần đây. Hiện gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 được các doanh nghiệp tại Cần Thơ mua vào với giá 6.300-6.400 đồng/kg và 7.150-7.200 đồng/kg đối với gạo thành phẩm, tăng tổng cộng 200-300 đồng/kg so với mức giá cách đây một tuần,

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, chỉ tính riêng các hợp đồng đã thống kê được, tính đến thời điểm này, doanh nghiệp trong nước đã có lượng hợp đồng xuất khẩu ít nhất khoảng 1,24 triệu tấn, bao gồm khoảng 700.000 tấn của năm 2014 chuyển sang; 240.000 tấn vừa ký với Malaysia hồi đầu tháng 2 và 300.000 tấn thỏa thuận bán cho Cuba theo Biên bản thỏa thuận của kỳ 32, Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Cuba được ký hồi đầu năm 2015.

Nguồn: TBKTSG Online

Đăng ký nhận tin

Nhận bài viết mới thông qua email đăng ký tại đây

© 2013 Thị trường nông sản. All rights reserved.
Designed by Vietlod