BÀI LIÊN QUAN
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyen lieu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyen lieu. Hiển thị tất cả bài đăng

Tải giá dầu OPEC theo ngày

Sử dụng công cụ bảng tính viết bằng VBA để tải lịch sử giá dầu thô OPEC theo ngày. Ngoài ra, công cụ cho phép biểu diễn sự biến động của giá dầu và độ lệch chuẩn của nó.

Bảng tính Excel được viết bằng VBA cho phép tải lịch sử giá dầu thô OPEC Basket (theo ngày).
Bạn có thể phân tích, tính toán sự tương quan giữa giá dầu và vàng. Bạn có thể xem các mã VBA trong tab Developer trong Excel. Mã này sử dụng các API Quandl theo giá nhập khẩu hàng ngày thẳng vào một sheet. Chỉ cần nhập ngày bắt đầu (Start Date) và ngày kết thúc (End Date) và nhấn nút Get Data để tải toàn bộ dữ liệu vào một sheet có tên là Data.

Giá dầu OPEC theo ngày từ 1/1/2009 đến 1/1/2015
 Lưu ý: trong trường hợp bị lỗi Run-time error 1004 về xác định sai đối tượng, chúng ta bấm Debug và tìm đến dòng có lỗi cần sửa. Thông thường là sửa lỗi định dạng dấu ngăn cách (dấu phẩy và chấm phẩy).

Lỗi Run-time error "1004" - xác định sai đối tượng

Quy định thuốc bảo vệ thực vật tại VN

Thuốc BVTV vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm, chủ yếu từ Trung Quốc
Ngành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Việt Nam còn non trẻ, sản xuất chưa đủ để phục vụ nhu cầu của ngành nông nghiệp trong nước. Nhưng thay vì hỗ trợ ngành này phát triển, những quy định xa rời thực tế trong dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV đang khiến ngành này có nguy cơ không thể lớn được. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Những bất cập trong công tác quản lý thuốc BVTV” diễn ra sáng 17-12 tại Hà Nội

Tất cả quy định của dự thảo đều xa rời thực tế

Tại hội thảo, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội hoá chất và Nông nghiệp Hà Nội, dẫn số liệu thống kê trên thế giới cho hay năng suất cây trồng trước thu hoạch bị thiệt hại khoảng 13,8% do côn trùng, 11,6% do các loại bệnh như nấm, vi khuẩn, vi rút và khoảng 9,5% do dịch hại. Tổng năng suất cây trồng bị tổn thất lên đến trên 30%. Vì thế, thuốc BVTV có vai trò không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp.

Song, đến nay ngành sản xuất thuốc BVTV của Việt Nam chưa phát triển, vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm, chủ yếu từ Trung Quốc. Hầu hết các loại thuốc nhập về đều ở dạng nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm sau đó được gia công, đóng gói và cung ứng ra thị trường.

Nhưng thay vì có những cơ chế chính sách hỗ trợ ngành phát triển thì nội dung của Dự thảo Thông tư về quản lý thuốc BVTV lại có nhiều quy định gây bức xúc trong các doanh nghiệp. “Dự thảo thông tư quản lý thuốc BVTV có hơn 100 điều khoản thì cũng có hơn 100 vấn đề xa rời thực tế. Các nhà quản lý hình như đang giành phần dễ dàng cho mình, còn sức ép dồn về các doanh nghiệp thuốc BVTV,” ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) nói.

Theo ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch VIPA, việc đặt ra những quy định trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, khó thực hiện và gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.

Ví dụ về quy định đăng ký thuốc, dự thảo thông tư quy định: Điều kiện đầu tiên để đăng ký sản phẩm vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam là phải có giấy uỷ quyền của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất ra loại hoạt chất đó và bán cho doanh nghiệp Việt Nam, bất kể loại hoạt chất đó đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế; Giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước sở tại về doanh nghiệp thuốc BVTV của nước sở tại; Giấy hợp pháp hoá lãnh sự quán nước ta tại nước sở tại.

“Đây là những quy định không cần thiết, trái với xu thế tự do thương mại hoá trên thế giới khi những hoạt chất thông dụng (generic) đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế hoàn toàn được tự do thương mại. Đồng thời những giấy tờ còn lại cũng không dễ gì có được,” ông Hùng nói.

Hay như quy định sản phẩm đăng ký phải có các số liệu độc tính do phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO tiến hành các thí nghiệm và có báo cáo thử nghiệm kèm theo. “Đây là những quy định không có khả năng thực hiện vì Việt Nam vẫn chưa có phòng thí nghiệm thuốc BVTV đạt các tiêu chuẩn trên,” ông Hùng nhấn mạnh.

Một ví dụ khác, theo ông Thiệu, trên một đồng lúa có nhiều loại cỏ lá rộng, lá hẹp, một lá mầm, hai lá mầm....nên nông dân có thói quen trộn 2-3 loại thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ dại. Nhưng dự thảo thông tư này lại không cho đăng ký các loại thuốc hỗn hợp. Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng hỗn hợp các hoạt chất trừ dịch hại thì việc quy định này là không cần thiết.

Lo không cạnh tranh được khi hội nhập

Song, bên cạnh những quy định được cho là “khắt khe” thì có một vấn đề mà lâu nay dư luận rất quan tâm là vấn đề giá thuốc BVTV thì dự thảo thông tư lại không hề nhắc tới.

Ví dụ, thông tư chưa có quy định cụ thể biện pháp khuyến khích việc đưa các chế phẩm sinh học vào đồng ruộng, thay thế dần các loại thuốc BVTV có hàm lượng cao. Trong khi đó, hiện việc nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại ở Việt Nam chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử nên giá thành còn cao.

Thực tế, trước khi có dự thảo này, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 03/2013/TT-BNNPTNT, mới áp dụng được hơn 1 năm, chưa bộc lộ hết ưu, nhược điểm; các doanh nghiệp thực hiện đang còn phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp thì nay lại ra đời dự thảo thông tư mới với nhiều điều khoản khác hẳn, gây tốn kém, lãng phí công sức, tiền của của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch VIPA, các quy định trong thông tư này hầu hết có tính áp dặt, mệnh lệnh hành chính, có nhiều đoạn trong thông tư còn chưa rõ nghĩa, khó hiểu. Điều đó sẽ gây ra hiện tượng các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý thuốc BVTV ở địa phương sẽ hiểu và áp dụng các quy định một cách khác nhau, không thống nhất, phát sinh tiêu cực.

Sang năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, rào cản thuế quan được gỡ bỏ, kinh doanh giữa các nước sẽ thông thoáng hơn...thì những quy định trên tự gây khó khăn cho chính các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đối với ngành hàng kinh doanh có điều kiện này và chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nước nhà.

Nguồn: TBKTSG Online

Nhu cầu phân bón - cung đã vượt cầu

Nguồn cung phân urê trong nước đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu, không chỉ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn dư lượng phục vụ cho xuất khẩu

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) dự kiến, năm 2015, sản lượng phân urê dự kiến đạt 2,2 triệu tấn (tương đương năm trước); phân NPK đạt 3,4 triệu tấn (tăng 32%); phân lân đạt 1,59 triệu tấn.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một số loại phân bón chính như urê, NPK, lân, vốn có ảnh hưởng lớn trên thị trường, năng lực cung cấp của các nhà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Riêng nguồn cung phân urê trong nước đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu, không chỉ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn dư lượng phục vụ cho xuất khẩu. Hiện nay, sản lượng của các nhà máy như Đạm Phú Mỹ là 800.000 tấn, Đạm Cà Mau là 800.000 tấn, Đạm Ninh Bình là 560.000 tấn, Đạm Hà Bắc là 500.000 tấn…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, năm 2014, nhu cầu phân bón hóa học cho sản xuất nông nghiệp trong nước đạt khoảng 11 triệu tấn các loại. Nguồn cung phân bón tiếp tục tăng mạnh ở cả thị trường trong nước và trên thế giới, tuy nhiên không có nhiều biến động về giá cả.

Nguồn: TTXVN/ Vietnam+

Sẽ nhập khẩu 81000 tấn đường - 2015

Hàng năm Việt Nam phải nhập tối thiểu 70.000 tấn đường theo cam kết khi gia nhập WTO

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương đã thống nhất hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2015 là 81.000 tấn. Tuy nhiên, việc giao nhập khẩu đường đang được các bộ tính toán để đảm bảo lợi ích giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng xin cho như những năm qua.

Trong văn bản số 10388/BNN-CB gửi Bộ Công Thương mới đây, Bộ NN-PTNT đã thống nhất về con số 81.000 tấn đường nhập khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, về cơ chế nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị nên có cơ chế công khai, minh bạch và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị liên bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương thay đổi cơ chế nhập khẩu đường.

Hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng đường tối thiểu là 70.000 tấn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song cơ chế nhập khẩu vẫn là giao trực tiếp cho các doanh nghiệp mà không qua đấu thầu công khai.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 77.200 tấn đường. Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn đường cho các doanh nghiệp chế biến, số còn lại cấp cho một số nhà máy tinh luyện đường trong nước; ví dụ như Mía đường Biên Hoà được cấp hạn ngạch nhập 15.000 tấn, Thành Thành Công Tây Ninh 10.000 tấn, Mía đường Lam Sơn 5.000 tấn...

Theo ông Long, cơ chế phân giao này gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước.

Hiệp hội Mía đường đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương thay đổi cơ chế phân giao bằng cơ chế đấu thầu nhập khẩu đường. Phần chênh lệch đấu thầu sẽ được thu vào ngân sách nhà nước, tránh xảy ra cơ chế xin – cho, phát sinh tiêu cực như hiện nay.

Tuy nhiên, tới nay, theo ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường tại Hà Nội, Hiệp hội vẫn chưa họp bàn với liên Bộ về cơ chế phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường mới theo công văn 9604 của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vì thông thường việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu thường tiến hành vào những tháng cuối năm khi kết thúc vụ sản xuất mía đường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 15-12-2014, tồn kho đường khoảng hơn 250.000 tấn và sức mua trong nước vẫn tiếp tục thấp.

Ngoài việc nhập 81.000 tấn đường trong năm nay, liên Bộ còn thống nhất sẽ nhập khoảng 102.000 tấn muối; 46.300 tá trứng gia cầm. Đối với hạn ngạch muối, sẽ phân giao hạn ngạch cho các doanh nghiệp y tế ngay từ đầu 2015; còn lại hai Bộ sẽ thống nhất thời điểm thích hợp cho việc nhập khẩu để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước, không ảnh hưởng đến tiêu thụ của diêm dân.


Nguồn: TBKTSG Online

Giá đường Việt Nam cao vì sao?


Giá đường trắng trên sàn London, giao tháng 3-2015, đã giảm 70 đô la Mỹ so với một năm trước. Tuy nhiên, so với Thái Lan - quốc gia có sản lượng đường lớn nhất ASEAN, giá thành sản xuất mía của Việt Nam cao hơn khoảng 5 đô la Mỹ/tấn và cao hơn khoảng 1,5 lần so với giá thế giới.

Giá đường Việt Nam cao vì sao?

Trước đây, nhiều người cho rằng, giá thành sản xuất đường tại nước ta cao là do công nghệ sản xuất lạc hậu, tỷ lệ thu hồi đường thấp. Điều này còn khiến chất lượng đường không cao, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Vì thế, theo các doanh nghiệp tiêu thụ đường, Chính phủ phải cho nhập đường tinh luyện để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nhà máy đường ở Việt Nam hiện nay đã nâng cấp, chất lượng đường sản xuất trong nước đã bằng và vượt qua Thái Lan.


Năng suất mía trung bình của Việt Nam thấp hơn Thái Lan khoảng 15 tấn/hecta

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu mía đường, hiện nay giá thành sản xuất mía của Thái Lan khoảng 25-30 đô la Mỹ/tấn, của Trung Quốc khoảng 50-55 đô la Mỹ/tấn, của Việt Nam khoảng 30-35 đô la Mỹ/tấn, của Úc khoảng 15-25 đô la Mỹ/tấn, của Ấn Độ khoảng 30 đô la Mỹ/tấn. So với Thái Lan, quốc gia có sản lượng đường lớn nhất ASEAN, giá thành sản xuất mía của Việt Nam cao hơn khoảng 5 đô la Mỹ/tấn. Điều này được giải thích là do năng suất mía trung bình của Việt Nam chỉ ở mức 65 tấn/héc ta, trong khi, Thái Lan vào khoảng 80 tấn/hécta.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân cách tính giá thành sản xuất đường của Việt Nam chưa có sự thống nhất giữa các nhà máy với nhau.

Theo một thành viên đang làm việc tại Viện Nghiên cứu mía đường, đa phần các nhà máy tính giá thành đường từ lượng đường thu được sau khi ép một tấn mía nguyên liệu, còn các phụ phẩm như bán bả mía, bán mật rỉ đường lại không tính. Trong khi đó, theo vị này, đối với nhiều nước trên thế giới, cây mía không chỉ làm ra đường mà còn nhiều sản phẩm khác như cồn, điện sinh khối. Tại Việt Nam, số lượng nhà máy sản xuất theo chu trình khép kín như vậy còn rất ít, đa phần chỉ dùng mía sản xuất đường. Ngoài ra, giá đường Việt Nam còn ảnh hưởng bởi các yếu tố phi thị trường.

Thực trạng đường nhập lậu

Thời gian qua, dù các nhà máy đường đã cố gắng hạ giá đường nhằm cạnh tranh với đường nhập lậu nhưng cuối cùng họ nhận ra trong cuộc chiến về giá này, các nhà máy luôn luôn là bên thua cuộc.

Theo VSSA, Thái Lan là nước sản xuất đường lớn nhất ASEAN. Quốc gia này phân chia đường theo ba hạn ngạch, trong đó, hạn ngạch A là tiêu thụ trong nước, hạn ngạch B là dành cho một số công ty xuất khẩu. Chính phủ nước này đảm bảo hai hạn ngạch A, B giúp doanh nghiệp nước họ có lãi.

Cuối cùng, hạn ngạch C là cho doanh nghiệp xuất khẩu số đường còn lại và giá đường ở hạn ngạch này thường thấp hơn so với hai hạn ngạch trên. Đường nhập lậu từ Thái Lan vào nước ta nằm ở hạn ngạch C này. VSSA cho biết, khoảng 90% đường bán trên thị trường các tỉnh phía Nam là đường nhập lậu từ Thái Lan và được hợp thức hóa bởi các doanh nghiệp trong nước.

Theo trang chuyên về thống kê statista.com, trong những năm qua, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan luôn tăng. Cụ thể, giai đoạn 2009-2010, Thái Lan xuất khẩu 4,9 triệu tấn đường, đến giai đoạn 2013-2014 lên 7,5 triệu tấn và dự kiến, trong giai đoạn 2014-2015 sẽ lên đến 8,5 triệu tấn.

Theo VSSA, thời gian tới, đường lậu Thái Lan có thể vào Việt Nam nhiều hơn, và như vậy, các nhà máy đường trong nước càng đứng trước áp lực phải giảm giá để cạnh tranh. Với những vấn đề từ nội tại lẫn ngoại lực như thế, ngành đường Việt Nam đang tiến thoái lưỡng nan, không biết bám víu vào đâu, ngoài việc kêu gọi một sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Hàng triệu nông dân trồng mía trở thành đối tượng mặc cả trong những cuộc thương lượng giữa các bên.

Nguồn: TBKTSG Online




Đăng ký nhận tin

Nhận bài viết mới thông qua email đăng ký tại đây

© 2013 Thị trường nông sản. All rights reserved.
Designed by Vietlod