BÀI LIÊN QUAN
Home » Chuyên mục Ca phe
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ca phe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ca phe. Hiển thị tất cả bài đăng
Giá cà phê nội địa và kỳ hạn xuống mức thấp nhất kể từ nhiều tháng qua. Những yếu tố lũng đoạn giá hoành hành mạnh trên thị trường. Nông dân đang thua lỗ đậm do mất giá, giới kinh doanh đang thiếu hàng giao dẫn đến tình trạng thanh lý hợp đồng: mất uy tín.
Biểu đồ 1: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 |
Mất giá
Giá cà phê nhiều nơi trên các tỉnh Tây Nguyên mất 3 triệu đồng/tấn ngay khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015 vừa chấm dứt vào ngày 12-3-2015. Đây là thời gian giao dịch chậm lại do các nhà xuất khẩu tập trung với các hoạt động lễ hội.
Đến sáng nay 14-3, hai ngày sau khi lễ hội chấm dứt, giá cà phê chỉ còn 35 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước là 38 triệu đồng/tấn. Đấy cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10-2014.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể được chào bán ở mức trừ 10 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn Ice châu Âu, nhiều hơn 20-30 đô la/tấn so với cách nay mấy tuần. Tuy nhiên lượng khớp lệnh trong giao dịch không nhiều do các nhà nhập khẩu chê mắc, chỉ những ai cần giao hàng gấp với các hợp đồng nhỏ từ 40-60 tấn mới mua.
Trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu, giá bất ngờ giảm cực mạnh, đóng cửa phiên ngày 13-3 chỉ còn 1.708 đô la/tấn, là mức thấp nhất kể từ 14 tháng nay (xin theo dõi biểu đồ 1).
Tuy nhiên, nhiều người còn hàng trong tay vẫn kiên tâm đợi chờ như một người ở thành phố Pleiku tự xưng là “Lão nông tri điền” phát biểu trên một mạng thông tin thị trường: “Giá rơi tự do rồi cũng phải dừng. Tôi còn 4 tấn, chờ đến vụ tới bán luôn thể vì sản lượng chưa chắc được…”
Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ tăng (nguồn: tradingchart.com) |
Yếu tố mất giá trong những ngày này còn được tăng cường bởi chỉ số đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ tăng mạnh. Chỉ số này hôm qua đã vượt trên 100 điểm làm giá nhiều loại hàng hóa lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán một phen suy vi như kim loại vàng, dầu thô, bắp, đường ăn, đậu nành và cà phê cũng không được miễn trừ (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Mất mùa?
Thật vậy, chỉ trong vài ngày, giá rơi mạnh làm nhiều người lo lắng dù ước báo của quan chức thuộc Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) tại một cuộc họp trong khuôn khổ lễ hội cà phê ở Buôn Ma Thuột cho rằng sản lượng niên vụ 2014/15 chỉ đạt chừng 22,17 triệu bao (bao=60 kg), giảm 20% so với niên vụ trước.
Ước báo của VICOFA có phần hợp lý vì xuất khẩu cà phê trong mấy tháng gần đây giảm rõ rệt. Tổng cục Hải quan cho biết hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê nước ta giảm 25,3% chỉ đạt 241.000 tấn.
Không chỉ riêng tại nước ta, tin đồn mất mùa liên tục được dấy lên tại nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới là Brazil, kích thích thêm ý định trữ hàng chờ giá tăng. Tuần qua, một tổ chức có tên Fundacao Procafé nói rằng tuy tại Brazil có mưa nhưng đã quá trễ, không cứu kịp sản lượng vụ mùa năm sau của nước này. Tổ chức này ước báo sản lượng cà phê năm tới của Brazil chỉ ở mức 40,3-43,25 triệu bao, giảm ít nhất 2 triệu bao so với niên vụ này. Dự báo này so ra có nhỏ hơn các con số của các đơn vị khác như của Terra Forte – 47,28 triệu bao, Olam International – 49 triệu bao, Volcafe – 49,5 triệu bao, Conab – 44,1-46,6 triệu bao.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) Roberia Silva cho rằng sản lượng năm nay mất đã đành, năm tới thế giới còn thiếu đến 8 triệu bao do hạn hán tại Brazil quê hương ông. Những phát biểu thế này lại có thể kích động phong trào trữ hàng mạnh. Tuy nhiên mình càng trữ, Brazil càng bán ra. Trong tháng 2-2015, Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) báo rằng nước này xuất khẩu 2,19 triệu bao (bao=60kg) cà phê arabica, và robusta đạt 249.324 bao, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 68%. Tuy lượng không nhiều nhưng có thể trám được thiếu hụt và giành thị phần xuất khẩu loại cà phê này của nước ta.
Mất mặt!
Ngay đầu vụ, giá cà phê nội địa được đẩy lên 41 triệu đồng/tấn khi giá trên sàn kỳ hạn được đẩy lên quanh mức 2.200 đô la/tấn. Sau hơn 5 tháng, giá kỳ hạn nay chỉ còn quanh mức 1.700 đô la/tấn và nội địa 36 triệu đồng/tấn. Giá còn đi tới đâu nữa? Chưa ai dám nói điều gì.
Theo biến động của thị trường, giá tăng đầu vụ là một “quả lừa” gây họa nhiều hơn phúc vì nhiều người cứ tưởng giá còn tăng khi vào vụ và đua nhau trữ hàng, thiếu tiền mua hàng, đua nhau gởi hàng, để rồi hàng chủ yếu đổ vào kho của vài tay đầu cơ.
Giá kỳ hạn xuống mạnh đang gây áp lực chốt giá hàng gởi trên sàn. Chốt giá “chặn lỗ” (stoploss) được thực hiện cả tự nguyện lẫn tự động khi hai bên mua bán sợ giá xuống sâu hơn mức tiền đã tạm ứng, thường vào khoảng 70% giá trị thị trường thời điểm, bên bán phải chốt bán giá rẻ bao nhiêu, bên mua hứng mua thoải mái bấy nhiêu.
Mặt khác, do siết hàng không bán hoặc bao nhiêu hàng bán ra đều vào tay các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, nhiều nhà xuất khẩu nước ta đang dở khóc dở cười đàm phán thanh lý hợp đồng chịu phạt do không có hàng giao (wash-out).
Hiện tượng này đã từng xảy ra trong niên vụ 2010/11 khi ngành cà phê bị tai tiếng do không có khả năng thực hiện hợp đồng.
Chỉ điều có khác là trước đây giá tăng mạnh, các nhà xuất khẩu bán ra nhiều nên thua lỗ đành phải thất hứa. Còn hiện nay, giá quanh mức 40-41 triệu đồng/tấn trong thời gian dài, nhưng hàng không đủ để xuất khẩu qua đường chính thức dù giá ấy có thể chấp nhận được.
Cách đây mấy năm, có người đã từng lên tiếng phản ứng với chủ trương tạm trữ và cho rằng tạm trữ là “tự trảm”. Những gì đang xảy ra trên thị trường cà phê nước ta hiện nay quả không sai.
Nguồn: Nguyễn Quang Bình (TBKTSG Online) ngày 14/03/2015
Nông dân Colombia đang yêu cầu chính phủ trợ giúp để trang trải chi phí ngày càng tăng sau khi giá cà phê arabica giảm mạnh gần đây.
Colombia là nhà sản xuất cà phê arabica sạch, dịu hàng đầu thế giới |
Phong trào Dignidad Cafetera - đã dẫn tới biểu tình của nông dân cà phê trong năm 2013 - muốn chính phủ thanh toán hết nợ 850 tỷ peso (327 triệu USD) trợ cấp đã không giải ngân năm ngoái sau khi giá arabica trên một giá để trợ cấp đã thỏa thuận.
Hôm 9/3, nông dân trồng cà phê đã họp với hai nghị sĩ quốc hội để bàn luận về những khó khăn tài chính sau khi giá cà phê arabica giảm 17% và đòi trợ cấp tiền mặt còn lại chuyển vào một quỹ sẽ bổ sung thu nhập cho nông dân khi giá giảm đủ thấp.
Alonso Suarez, một phát ngôn viên của Dignidad Cafetera ở tỉnh Antioquia, một trong những khu vực cà phê lớn nhất của Colombia cho biết “chúng tôi yêu cầu 850 tỷ peso được trả lại để tạo ra một quỹ trợ cấp bù cho chi phí sản xuất”.
Suarez cho biết phong trào này cũng sẽ tìm cách thực hiện một cuộc họp với Bộ trưởng Nông nghiệp Aurelio Iragorri để bàn về yêu cầu của họ và cho biết lặp lại các cuộc biểu tình trong năm 2013 - theo đó nông dân chặn đường phố và từ chối bán cà phê – là lựa chọn cuối cùng.
Colombia là nhà sản xuất cà phê arabica sạch, dịu hàng đầu thế giới. Chính phủ dường như không thể tiếp nhận yêu cầu đối với các quỹ như họ đã làm hai năm trước. Kho bạc của nước này đã giảm đi bởi giá dầu lao dốc năm ngoái đã thúc đẩy việc cải cách thuế một cách vội vàng để đảm bảo họ có thể vẫn chi trả được các hóa đơn.
Giá cà phê quốc tế giảm được bù đắp bởi một đồng peso yếu hơn, đồng tiền này đã mất hơn 1/5 giá trị so với đồng đô la trong một năm và hôm 9/3 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006. Nhưng điều đó cũng làm tăng chi phí nhập khẩu như phân bón.
Liên đoàn người trồng cà phê quốc gia cuộc họp hôm 9/3, mà gồm đại diện từ các lĩnh vực nông nghiệp khác như cacao, gạo và chuối, những người cũng đang tìm kiếm trợ cấp của chính phủ.
Giá arabica lao dốc sau khi lo sợ rằng nước trồng cà phê Brazil sẽ đối mặt với một vụ bị thiệt hại do thời tiết năm thứ hai liên tiếp đã giảm đi sau khi mưa gần đây kết thúc đợt khô hạn khắc nghiệt và đồng nội tệ của Brazil suy yếu.
Nguồn: Vinanet
Thị trường cà phê những tháng đầu năm 2015 diễn biến phức tạp. Nguồn cung đứng trước các rủi ro về cạnh tranh, găm hàng. Thông tin mất giá của đồng real (Brazil) đã làm giá và lượng giao dịch cà phê trên thị trường sụt giảm. Người còn hàng chỉ biết “tin vào niềm tin chiến thắng” nhờ sức mạnh đoàn kết giữ lại hàng
Vào đầu tháng 3-2015 giá cà phê lại xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Lên xuống là chuyện bình thường. Nhưng không lẽ rủi ro thua lỗ là chuyện không lường trước được?
Giá cà phê đã giảm xuống còn 133.51 Cents/lb trong tháng 3 từ mức giá 135.20 Cents/lb tại thời điểm tháng 2 năm 2015. 124.50 Cents/lb là mức giá trung bình trong giai đoạn 1972 - 2015 (cao nhất là 339.86 năm 1977 và thấp nhất là 42.50 vào tháng 10 năm 2001)
[Nguồn: http://www.tradingeconomics.com]
[Nguồn: http://www.tradingeconomics.com]
Giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa tuần qua có lúc xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ 2014/15, bắt đầu từ ngày 1-10-2014. Tại một số nơi trên các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê nguyên liệu đã chạm mức 37,5 triệu đồng/tấn, nhưng ngay sau đó có hồi phục đôi chút. Hôm qua 6-3, giá nội địa đã quanh mức 38 triệu đồng/tấn nhưng mua bán khá trầm lắng. Giá này so với đầu vụ mất 4 triệu đồng/tấn và giảm 0,5 triệu đồng/tấn so với tuần trước.
Trên sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu, giá đóng cửa có lúc chạm mức 1.858 đô la/tấn, cũng là mức đóng cửa thấp nhất tính từ đầu vụ. Đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua, sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu chốt mức 1.881 đô la/tấn, giảm 26 đô la/tấn so với tuần trước.
Ở mức này, lượng mua bán mới không nhiều. Cư dân nhiều nơi mua trữ ở mức cao hơn hiện nay vì nghĩ giá sẽ lên, nên giá này chưa thể bán được vì lỗ 2-3 triệu đồng/tấn.
Do giá kỳ hạn giảm, cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể đang được chào mua mức trừ 20-30 đô la/tấn dưới giá niêm yết nhưng chẳng ai dám bán vì sợ còn xuống nữa.
Trong khi đó, giá arabica cũng đang rất yếu, chung quanh mức 140 xu/cân Anh (Cents/lb) giảm so với đầu vụ, bấy giờ là 230 Cents/lb. Nước đứng đầu về xuất khẩu arabica chế biến khô (naturals), Brazil hiện bán loại này ở mức trừ 1 Cent/lb dưới giá niêm yết sàn arabica New York so với trừ 4 Cents/lb FOB cảng Santos (giao qua lan can tàu) cách nay vài tuần. Giá arabica chế biến ướt Colombia đang được bán mức cộng 17 Cents/lb FOB trên giá sàn kỳ hạn.
Rủi ro từ cạnh tranh
Tuy trong mấy ngày cuối tuần, giá kỳ hạn có phục hồi đôi chút, những người trữ hàng vẫn hoang mang do giá xuống nhanh, đặc biệt từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, vượt ngoài kỳ vọng giá tăng như trong dịp này của mấy năm trước.
Có thể nói rằng giá chao đảo hiện nay trên các sàn kỳ hạn hết sức phức tạp. Người còn hàng chỉ biết “tin vào niềm tin chiến thắng” nhờ sức mạnh đoàn kết giữ lại hàng, dù cà phê đang nằm trong tay của bất kỳ ai, nông dân hay cư dân trên địa bàn sản xuất đầu tư mua trữ cà phê với tiền nhàn rỗi.
Đứng trước tình cảnh đầy rủi ro, mập mờ trước các thông tin thị trường thế giới, người trữ hàng chỉ còn chọn một trong hai thái độ hoặc án binh bất động, hoặc ai đã gởi hàng vào kho các nhà xuất khẩu đều thương lượng kéo dài ngày chốt giá cuối cùng.
Diễn biến phức tạp của đồng nội tệ real Brazil (BRL), rõ ràng nằm ngoài khả năng dự đoán của những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam. Giá arabica rớt, nhưng do đồng BRL mất giá, đã kích Brazil bán mạnh. Dù từ một vài tháng nay, tốc độ bán ra có chậm lại, xuất khẩu cà phê Brazil đến nay vẫn đạt 36 triệu bao (1 bao = 60 kg). Nếu như tiêu thụ nội địa Brazil ước chừng 20 triệu bao mỗi năm, thì lượng cà phê Brazil có được trong năm đạt ít nhất 56 triệu bao, một số lượng không hề nhỏ. Giả sử trong sản lượng ấy có từ 6 đến 10 triệu bao cà phê vụ cũ, sản lượng năm nay không có cửa nào dưới 45 triệu bao như nhiều đồn đoán và tính toán.
Thị trường cà phê thế giới năm 2015 có nhiều dấu hiệu sẽ tiếp tục biến động mạnh. Dự báo xu hướng tăng giá của năm 2014 sẽ còn tiếp diễn, song sẽ có sự khác biệt lớn về mức độ tăng giữa 2 loại arabica và robusta, do chịu ảnh hưởng lớn từ hai quốc gia sản xuất chủ chốt là Brazil và Việt Nam.
Sự khác biệt lớn về mức độ tăng giữa 2 loại cà phê robust và arabica chịu ảnh hưởng từ 2 quốc gia sản xuất cà phê chủ chốt là Brazil và Việt Nam |
Nội dung nổi bật
- Thị trường cà phê thế giới năm 2015 có nhiều dấu hiệu sẽ tiếp tục biến động mạnh
- Giá cà phê arabica sẽ tăng vừa phải vì các động lực tăng giá của những năm qua giờ đây đã thay đổi
- Giá cà phê robusta dự báo tăng do cung yếu, chủ yếu từ Việt Nam
- Các nhà đầu cơ đang sẵn sàng mua cà phê vào khi giá xuống dưới 40.000 đồng/kg
Arabica sẽ tăng giá vừa phải
Giống như những hàng hóa nhẹ khác, giá cà phê arabica đã tăng rất mạnh trong năm vừa qua, đạt kỷ lục cao 2,2910 USD/lb hồi tháng 10/2014 do Brazil lâm vào đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ.
Giá arabica từ đầu năm 2015 tới nay biến động rất mạnh. Khi vừa bước sang năm mới, giá đột ngột tăng vọt khi thiếu mưa trầm trọng ở Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, gây lo ngại về triển vọng sản lượng. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá không kéo dài. Trong tháng 2 arabica xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm sau khi điều kiện thời tiết ở các khu vực trồng trọt chính của Brazil được cải thiện đáng kể. Và các nhà đầu tư bắt đầu hoang mang về triển vọng thị trường này, bởi những biến động quá mạnh trong những tháng gần đây.
Trên thực tế có nhiều dự đoán rất khác biệt về triển vọng loại nông sản này.
Commerzbank cho rằng biến động thời tiết ở Brazil và tồn kho yếu sẽ khiến giá tăng trong những quý tới, có thể đạt trung bình 2 USD/lb trong quý IV năm nay. Và mới đây nhất, lãnh đạo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng cho rằng arabica có nhiều cơ sở để tiếp tục tăng giá trong năm nay.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù ICO dự báo thị trường cà phê thế giới năm nay sẽ thiếu cung, nhưng trong báo cáo tháng 3 vừa công bố, tổ chức này đã nâng mức dự báo sản lượng so với báo cáo tháng 2, trên cơ sở nâng dự báo về sản lượng của Honduras, Mexico, các quốc gia sản xuất chủ chốt khác ở châu Phi và Trung Mỹ.
Tại Brazil, mặc dù đầu năm nay khô hạn, song điều kiện thời tiết đã nhanh chóng được cải thiện trên diện rộng, với lượng mưa trong tháng 1 cao hơn mức trung bình, lý tưởng cho sự sinh trưởng của cây trồng và hứa hẹn vụ mùa arabica đạt năng suất cao.
Volcafe thuộc ED&MAN hồi đầu tháng 2 đã dự báo sản lượng của Brazil năm nay sẽ tăng lên 49,5 triệu bao (loại 60 kg/bao) từ mức 47 triệu bao năm ngoái. Các nhà kinh doanh cà phê ở Thụy Sĩ cũng nhận định tình trạng thiếu hụt đã được cải thiện đáng kể, và hạ dự báo về mức thiếu hụt cà phê toàn cầu niên vụ 2014/15 từ mức 8,9 triệu bao (đưa ra khi thời tiết ở Brazil và các nước Nam Mỹ khác trong giai đoạn khô hạn) xuống chỉ còn 1,4 triệu bao.
Môi trường kinh tế vĩ mô của Brazil cũng hậu thuẫn xu hướng giá arabica giảm. Lạm phát tại quốc gia này tăng vọt và đồng real mất giá hơn 7% xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm so với USD trong tháng 2 vừa qua. Đồng real trượt giá cộng với sản lượng tăng sẽ thúc đẩy Brazil gia tăng xuất khẩu cà phê nhiều hơn nữa. Không chỉ Brazil, sản lượng của các quốc gia Trung Mỹ khác cũng đang hồi phục.
Năm ngoái, thiếu cung cà phê không chỉ bởi sản lượng của Brazil giảm đột ngột mà còn bởi sản lượng của các quốc gia Trung Mỹ cũng sụt giảm. Trung Mỹ chiếm tới 10% sản lượng toàn cầu. Nấm bệnh trên cây cà phê đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đồn điền ở khu vực này, khiến xuất khẩu của Nicaragua, El Salvador, Guatemala và Mexico đều giảm 2 con số trong niên vụ vừa qua. Tuy nhiên, sản lượng của khu vực này đang hồi phục rất nhanh. Trong khi đó, Colombia – nước xuất khẩu arabica hàng đầu thế giới, sau khi mất mùa 2013/14 do sâu bệnh, sản lượng năm 2014/15 dự báo sẽ hồi phục lên 12,5 triệu bao và dự báo tiếp tục tăng lên 13 triệu bao trong niên vụ tới, nhờ chiến dịch thay thế hàng loạt những cây cà phê già cỗi.
Tóm lại, các động lực của thị trường arabica đã thay đổi nhiều trong năm qua. Có khả năng mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay, song sẽ khó có thể tăng mạnh.
Giá robusta có thể tiếp tục tăng mạnh
Trái với arabica, thị trường robusta đang có nhiều yếu tố hậu thuẫn giá tăng. Trong báo cáo mới nhất, ICO dự báo sản lượng robusta toàn cầu năm 2014/15 sẽ giảm 3,7%, cao hơn nhiều mức giảm 2,8% của loại arabica.
Ngay tại Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta hàng đầu thế giới, các nhà đầu cơ đã sẵn sàng mua vào khi giá xuống dưới 40.000 đồng/kg, khiến cho nguồn cung robusta thế giới càng trở nên khan hiếm. Trong bối cảnh tiền tệ của nhiều quốc gia giảm giá so với USD thì tiền đồng của Việt Nam tương đối ổn định, giữ cho giá cà phê trong nước và xuất khẩu không biến động mạnh. Xuất khẩu cà phê tháng 2/2015 ước đạt 110.000 tấn, giảm 25% so với cùng tháng năm 2014. Trong giai đoạn tháng 10/2014 – 2/2015, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã giảm 11% so với một năm trước đó, xuống chỉ 8,94 triệu bao. Tình hình này có thể khiến thiếu hụt robusta thế giới gia tăng trong những tháng sắp tới.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đầu năm nay dự báo sản lượng cà phê năm 2015 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 20-25% so với năm 2014 do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết và công tác tái canh cà phê còn thực hiện chậm, kéo theo xuất khẩu giảm khoảng 11% trong năm nay sau khi tăng mạnh 33% trong năm 2014. Hiện nhiều vùng thiếu nước tưới làm tăng lo ngại sản lượng cà phê tiếp tục sụt giảm.
Mặc dù đã có đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, nhưng việc tái canh nói chung còn chậm do thiếu nguồn vốn, một số tỉnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết diện tích cà phê cần tái canh để phối hợp với các ngân hàng giải quyết nguồn vốn. Lãi suất vay vốn cho tái canh cà phê còn cao, chưa hấp dẫn các hộ sản xuất và doanh nghiệp đầu tư trồng tái canh cây cà phê.
Nhìn chung với robusta, việc dự báo triển vọng giá vào lúc này không dễ dàng bởi tình trạng đầu cơ tích trữ sẽ kéo dài tới khoảng tháng 5, khi mùa mưa đến và nhà đầu tư sẽ quyết định nên bán hàng tích trữ ra hay tiếp tục găm giữ chờ giá lên.
Nguồn: Tri thức trẻ
Càng rủi ro hơn khi nhiều người không thể mua hàng thực quay sang mua hàng giấy hay còn được gọi là hàng ảo trên mạng |
“Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng” - đó là cuộc giằng co giữa thị trường cà phê hàng thực và hàng ảo trong mấy ngày tuần đầu tháng 12-2014, người sản xuất tạm thời chịu thua.
Mua bán chậm vì chờ giá cao
Thị trường cà phê tuần đầu tiên của tháng 12-2014 khá trầm vắng và mua bán chậm chạp. Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa có lúc chao xuống 40 triệu đồng/tấn, nhưng rồi nhanh chóng vực lên lại do bất ngờ với sức bán ra khá hạn chế.
“Đã bắt đầu tháng thứ ba của niên vụ mới 2014/15, thị trường cà phê vẫn chưa thấy nhộn nhịp,” đó là nhận định của ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Simexco Daklak, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, tại hội nghị tổng kết niên vụ cũ và bàn phương hướng cho năm mới của Hiệp hội Cà phê và Ca cao (VICOFA) được tổ chức hôm qua 5-12 tại TPHCM.
Một số chủ doanh nghiệp đến từ các nơi đồng tình với ý kiến trên vì “hình như hai bên mua bán đang thăm dò nhau chứ chưa thực sự khởi động”. Những dự báo trước đây nói cà phê nước ta được mùa, đến nay đang phần nào làm bỡ ngỡ phía nhập khẩu, tuy họ còn bán tin bán nghi dù lượng bán ra quá ít.
Tin đồn mất mùa và tâm lý giữ hàng đang còn lởn vởn nhiều trên thị trường. Thật thế, “mới hôm trước đầu niên vụ giá 42 triệu đồng/tấn, nay giá 40-41 triệu, sao mà bán cho đành!”, anh Phan Trọng Nghĩa có vườn tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tâm sự.
Đợi giá cao trong khi nông dân còn bận rộn với công việc thu hoạch hơn là tính toán bán ra, đó là lý do khiến nhiều nhà xuất khẩu mua chưa được hàng phải bồn chồn.
Mỗi thị trường một cung cách
Có lẽ chính nhờ vậy, giá kỳ hạn robusta và thị trường nội địa vẫn chưa suy suyển và đang nằm trong tay người bán.
Về phía người mua, họ vẫn chưa tỏ ra nôn nóng đối với hàng robusta vì thị trường đang khá dồi dào với hàng arabica chế biến khô từ tồn kho vụ cũ lẫn vụ mới đang được Brazil tung đều ra thị trường với giá trừ so với giá niêm yết arabica New York. Đồng real Brazil (BRL) giảm giá trầm trọng, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm nay so với đồng đô la Mỹ, cũng là một yếu tố kích xuất khẩu và người mua chuyển sang thị trường arabica tại Brazil. Thật vậy, xuất khẩu cà phê tháng 11 của Brazil lại tiếp tục tăng chưa có dấu hiệu giảm để người ta khả dĩ tin rằng có mất mùa. Tháng qua xuất khẩu của Brazil lại tăng 152.300 bao, tức tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 2.864.100 bao. “Thị trường arabica tạm thời đang do người mua định đoạt”, một thương nhân nước ngoài cho biết bên lề hội nghị.
Hiện tượng này thể hiện rất rõ trên bảng giá niêm yết của thị trường. Giá kỳ hạn arabica giảm không ngừng trong khi giá robusta được giữ vững. Trên sàn arabica, sau khi mất trên 30 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với trên 660 đô la/tấn tính từ đầu niên vụ 2014/15 đến cuối tuần trước, giá loại cà phê này tuần qua lại tiếp tục mất thêm 7,35 cts/lb hay 162 đô la/tấn, từ 187,45 cts/lb nay chỉ còn 180,10 cts/lb (xin theo dõi biểu đồ 1). Tại sàn robusta Ice châu Âu, giá đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua chốt mức 2.053 đô la/tấn cơ sở tháng 3-2015, giảm 17 đô la/tấn so với cuối tuần trước (biểu đồ 2).
Giá cà phê nguyên liệu sáng nay 6-12 trên các tỉnh Tây Nguyên đang được giao dịch quanh mức 40,5 triệu đồng/tấn, bằng giá cuối tuần trước dù giá kỳ hạn giảm.
Bẫy giăng đầu mùa
Giá kỳ hạn giảm nhưng giá cà phê nguyên liệu đứng vững đã làm cho những ai bán xuất khẩu với mức chênh lệch thấp trước đây phải lo lắng. Thật thế, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA tại hội nghị cho biết rằng trước đây một số doanh nghiệp nghe tin đồn được mùa, đã vội bán xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ với giá thấp như trừ 100-110 đô la/tấn dưới giá niêm yết, nay ắt phải lo lắng. Bán xuất khẩu với mức “trừ lùi” giá rẻ sẽ rất khó mua được hàng trước một thị trường luôn ngóng giá cao như hiện nay nếu họ không chấp nhận cắt lỗ.
Càng rủi ro hơn khi nhiều người không thể mua hàng thực quay sang mua hàng giấy hay còn được gọi là hàng ảo trên mạng. Đây là một dạng đầu cơ giá lên vì họ cứ nghĩ rằng khó mua hàng thực, mua hàng giấy “lấy may” bù vào.
Cấu trúc “vắt giá”, giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng giao hàng xa là cơ sở để những người này quyết định lao lên sàn mua hàng ảo để mong gỡ gạc cho hàng thực đã bán nhưng chưa mua được hàng. Vì theo lý thuyết, cấu trúc “giá vắt” biểu thị cho thiếu hàng, cần hàng giao nhưng họ quên rằng đấy chỉ là các thao tác thanh lý trên giấy tờ, thủ tục tài chính (nên mới gọi là “hàng giấy”). Thế nhưng, thực tế những gì xảy ra trên sàn tuần qua có thể khẳng định rằng họ đã mắc bẫy. Cấu trúc vắt giá biến mất với đợt giá lao xuống khi giá tháng giao ngay 11-2014 (spot month) chấm dứt. Chỉ sau vài ngày, đến sáng nay 6-12, giá tháng 1-2015 nay trở thành tháng giao hàng chính đã xuống thấp hơn các tháng giao sau theo bảng giá đóng cửa sàn robusta Ice châu Âu khuya hôm qua:
Mua hàng giấy lúc giá cao, nay giá quay xuống thấp, thị trường đã đưa họ vào bẫy. Có hai lựa chọn đều khó khăn cho người mua hàng giấy: hoặc là đóng thêm tiền để bảo toàn vị thế mua, hoặc phải thoát khỏi vị thế ấy bằng cách bán giá thấp chịu lỗ.
Đấy không phải là lần đầu. Nhưng cái khó không chỉ riêng cho họ mà còn để lại cho người có hàng thực là trong khi nông dân và các nhà xuất khẩu đang đấu tranh cho giá cao, thì đầu cơ hàng giấy nhảy vào phá thế trận. Thực tế, họ mua khống hàng giấy để mong giá cao bán ra, nhưng đâu biết rằng đầu cơ cá mập bắt bài, dìm giá để treo họ trên sàn với các hợp đồng mua giá cao. Một khi đua nhau bán thoát thân, là lúc họ kích thêm người có hàng thực bán ra do tâm lý sợ giá rớt, sẽ tạo nên những thảm cảnh đau lòng vì bán tháo dây chuyền.
Nguồn: Nguyễn Quang Bình (TBKTSG Online)
Trước những thông tin bất lợi về phía cung như hạn hán, mất mùa, biến đổi khí hậu... liệu giá cà phê trong những tháng sắp tới của năm 2015 liệu có tăng? Thị trường cà phê trong nước không xảy ra hiện tượng bán tháo, vậy giá nội địa sẽ tăng do nhu cầu?
CUNG CÀ PHÊ
Mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014-15 đã xong. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhưng tới nay phải nói rằng thị trường vẫn chưa chứng kiến một đợt bán mạnh nào. Có lẽ nhờ vậy mà giá trên thị trường nội địa vững chăng?
Những năm trước vào thời điểm này, nhiều người tranh bán, tạo áp lực làm giá cà phê trong và ngoài nước giảm mạnh. Đua nhau bán, giá rẻ giá đắt gì cũng bán để chạy theo kế hoạch và kim ngạch xuất khẩu, đó là điều không tốt. Nhưng nông sản sản xuất ra, đặc biệt cà phê là mặt hàng được giao dịch trên nhiều sàn kỳ hạn quốc tế, lại là loại hàng dễ bị thay thế, thì việc ôm hàng không bán vì mục đích đầu cơ giá lên có thể có lợi tạm thời trong từng giai đoạn nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thị trường, đặc biệt tự mình thu hẹp thị phần trên thương trường thế giới.
Cả tuần nay, giá cà phê nội địa và kỳ hạn đều giảm. Nếu chỉ xét giá trong tuần qua, ngày đầu tuần là đỉnh và cuối tuần là đáy. Giá kỳ hạn robusta mất 40 đô la/tấn so với đỉnh ngày 19-1 là 1.971 đô la/tấn khi đóng cửa phiên cuối tuần 23-1 chốt mức 1.931 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Cà phê nội địa cũng giảm theo từ 40,6 triệu đồng/tấn đến sáng nay chỉ còn 39 triệu đồng/tấn, mất 1,6 triệu đồng/tấn.
Dù sao, đấy vẫn là các mức cao trong thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, một số yếu tố lạ đáng làm cho người kinh doanh cà phê lo lắng. “Giá cà phê nội địa cao và được giữ vững từ đầu vụ đến nay không xuất phát từ nhu cầu mua hàng. Hình như do ghim hàng và mua bán lòng vòng trên thị trường nội địa, tay qua tay, làm giá thành đội lên dần, không thể khớp với giá xuất khẩu,” một nhà phân tích ngành hàng phát biểu.
CẦU CÀ PHÊ
Thật vậy, nhiều nhà xuất khẩu cho rằng nhu cầu mua hàng của khách ngoại từ đầu niên vụ không nhiều. “Lúc đầu, tưởng họ cẩn thận vì sợ rủi ro không có hàng vì mất mùa nhưng đến nay có lẽ không phải thế. Nhiều khách ngoại còn tồn kho tại kho ngoại quan và kho riêng đều tuồn hàng ra bán lại cho những người có nhu cầu giao hàng hay đầu cơ giá cao,” ông nói tiếp.
Một vị khác phân tích thêm rằng “năm ngoái được mùa, lượng cà phê xuất đi nhiều vì vậy mà nay nhà rang xay chưa vội mua trừ khi giá rẻ, đó cũng là một trong những nguyên nhân mất mùa nhưng giá chưa lên”.
Thật vậy, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 1-2015 ước chỉ chừng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái là 72.000 tấn.
Trong khi đó, một số người sản xuất bắt đầu thấy lúng túng do giá xuống dù biết rất rõ cà phê vụ mới chưa ra bao nhiêu trên thị trường. “Đầu mùa, giá lên 42 triệu đồng/tấn để người nông dân tin giá năm nay sẽ cao. Rồi sau đó, giá dao động liên hồi, nhưng vẫn không vượt quá mức cao ấy. Thậm chí nhiều lúc còn giảm sâu như mấy bữa rày làm mọi người lo lắng và nao núng dù bị mất mùa. Tốt nhất, ai cần tiền chăm lo vườn thì nên bán một ít để chi phí, số còn lại phải chờ cơ hội mới thôi,” một người có tên Trí Nông lên mạng bộc bạch.
THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ BRAZIN
Đến nay, tuy có người tin chắc rằng Brazil gặp hạn hán nặng đầu năm ngoái, đến nỗi đang sợ sẽ có hạn hán cho đầu năm 2015 này nữa, chưa ai giải thích rõ ràng vì sao giá kỳ hạn arabica New York từ 225 xu/cân Anh (cts/lb) vào đầu tháng 10-2014 nay chỉ còn quanh mức 160 cts/lb, giảm 65 cts/lb hay tương đương với mất 1.430 đô la/tấn (biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Diễn biến giá arabica New York (nguồn: TBKTSG Online) |
Tuy nhiều dự báo nói rằng sản lượng niên vụ 2014-15 của Brazil bình quân quanh mức 46-47 triệu bao (bao=60 kg) hay có thể khiêm tốn hơn nữa, nhưng chỉ khoanh cứng trong các con số cục bộ với mục đích chứng minh cho giá tăng mà quên mất tồn kho đầu kỳ cực lớn của nước này. Mới đây, công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của Brazil Comexim ước tồn kho kỳ tính từ 1-7-2014 của Brazil lên đến 10,6 triệu bao.
Thậm chí, theo tính toán của Comexim, nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cà phê năm 2015 của Brazil ước 54 triệu bao. Đến đầu vụ nước này vào ngày 1-7-2015, Comexim vẫn cho rằng tồn kho mang sang bấy giờ có thể đạt 6,7 triệu bao và nhu cầu có thể “choàng” cho đến năm 2016.
Có phải vì vậy mà nay Brazil xuất khẩu ồ ạt và bán với bất kỳ giá nào? Với mức xuất khẩu kỷ lục trong mọi thời đại 36,32 triệu bao trong năm vừa qua, Brazil vẫn đang xuất hàng không chỉ arabica mà cả robusta… thì rõ ràng thông tin hạn hán được cố tình dựng lên để nước này xuất bán lượng tồn kho khổng lồ. Đây là điều rất đáng ngờ vực, thế cuộc của thị trường, số lượng xuất khẩu và hoạt động giá cả trên sàn kỳ hạn arabica New York như thế chưa đủ để chứng minh điều đó sao?
Biểu đồ 2: Cách biệt giá giữa hai sàn arabica và robusta (nguồn: TBKTSG Online) |
Nếu các luận cứ trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục, giới kinh doanh cà phê còn có một thông số khác dựa trên hoạt động giá cả của hai sàn kỳ hạn arabica và robusta để chứng minh sự hấp dẫn của từng loại hàng đối với thị trường.
Khi cách biệt giá giữa arabica và robusta càng rộng thì nhu cầu tiêu thụ robusta càng nhiều vì bấy giờ robusta rẻ hơn. Khi cách biệt giữa hai loại này co lại, các hãng rang xay chuộng sử dụng arabica hơn vì giá mềm hơn.
Trong đợt tăng đầu tháng 10-2014, có lúc giá cách biệt (arbitrage) giữa hai sàn cà phê arabica và robusta đạt mức 115 cts/lb nhưng đến nay chỉ còn quanh mức 71 cts/lb (xin xem biểu đồ 3). Giả sử giá mua robusta không đổi ở mức 2.000 đô la/tấn, thì đầu tháng 10-2014 các hãng rang xay phải mua arabica với mức 4.535 đô la/tấn, nhưng hiện nay chỉ ở mức rẻ hơn là 3.565 đô la/tấn. Do mức cách biệt không nhiều, nhà rang xay đang có khuynh hướng sử dụng nhiều arabica hơn.
Nguồn: TBKTSG Online
Thị trường cà phê vừa bước qua niên vụ mới 2014-2015. Theo quy ước chung, niên vụ cà phê bắt đầu từ ngày 1-10 năm nay và chấm dứt vào ngày 30-9 năm sau.
Nhìn vào những con số để đánh giá thành quả của ngành cà phê nước ta trong niên vụ vừa qua, đằng sau những số liệu khô khan là nỗ lực rất lớn của cộng đồng sản xuất kinh doanh trong nước mà ít người để ý.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây ước tính xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014 của nước ta khoảng 1.641.700 tấn, đạt kim ngạch 2,84 tỉ đô la Mỹ, tăng so với niên vụ 2012-2013 là 1.423.300 tấn với 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014 của nước ta khoảng 1.641.700 tấn, chiếm 19.3% thị phần cà phê thế giới, đạt kim ngạch 2,84 tỉ đô la Mỹ |
Nhớ lại niên vụ 2011-2012, giá cà phê nội địa có lúc đã lên mức kỷ lục trên 50 triệu đồng/tấn. Đấy là một năm kinh doanh đầy hãnh diện của ngành cà phê nhờ vừa được mùa lại được giá. Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization - ICO) báo rằng năm ấy, xuất khẩu cà phê của cả thế giới đạt 110,6 triệu bao (60 ki lô gam/bao), trong đó Việt Nam góp 23,5 triệu bao, chiếm trên 21%.
Thế nhưng, thị phần của Việt Nam giảm nhanh trong niên vụ tiếp theo, chỉ còn 17,8%, cũng theo đánh giá của ICO, dù xuất khẩu cà phê toàn cầu bấy giờ tăng lên 111,34 triệu bao. Có thể giải thích cho sự sụt giảm thị phần xuất khẩu cà phê trong giai đoạn này gói gọn như sau: giá trên sàn kỳ hạn giảm mạnh, có khi mất cả 1.000 đô la/tấn so với đỉnh của niên vụ cũ vào tháng 3-2011 là 2.672 đô la/tấn, hệ quả là giá bình quân trên thị trường nội địa giảm chỉ còn 40,4 triệu đồng/tấn so với đỉnh cao nhất trong kỳ là 44-45 triệu đồng/tấn. Cộng hưởng với giá thấp, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) làm nhiều nhà xuất khẩu cụt vốn, nhiều doanh nghiệp ma lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để mua bán lòng vòng nâng giá nội địa, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, lãi suất ngân hàng cao... đã chặn dòng chảy tự nhiên của cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2012-2013 một cách đáng trách.
Thống kê mới nhất của ICO cho biết xuất khẩu cà phê thế giới trong 12 tháng tính đến hết tháng 8-2014 đạt 109,49 triệu bao, trong đó nước ta đạt 21,15 triệu bao, chiếm thị phần 19,3%. Tuy thị phần tăng chỉ 1,5% nhưng là một nỗ lực đáng trân trọng. Thực ra, niên vụ 2013-2014 vừa qua chưa được mươi ngày, khó khăn vẫn chất chồng dù Nhà nước đã cố gắng tháo gỡ nhiều khúc mắc để khơi thông dòng xuất khẩu.
“Tránh chưa hết vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, nhiều nhà xuất khẩu trao đổi với nhau như thế mỗi lần gặp mặt, vì họ còn chưa kịp hoàn hồn với thuế thì nay đến “dạ thưa các loại phí”, họ nói. Cước tàu biển và vô số loại phí liên quan đến làm hàng, thuê container, đặt chỗ, nhận vận đơn... đè lên vai nhà xuất khẩu. Cước phí vận tải nội địa tăng gấp ba lần sau khi Bộ Giao thông Vận tải siết chặt tải trọng xe chở hàng từ các vùng nguyên liệu về cảng... Nhưng cuối cùng, thực tế là nông dân phải gánh.
Nội công nhiều, ngoại kích cũng lắm. Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, thời gian gần đây phá giá đồng real, tạo lực bán ra mạnh và có lúc đánh giạt lượng xuất khẩu cà phê của nước ta xuống dưới 100.000 tấn/tháng trong nhiều tháng liền ở giai đoạn cuối vụ.
Giá đỉnh và giá bình quân của niên vụ vừa qua chắc chắn không bằng hai năm kinh doanh trước đó. Giá đỉnh hạ thấp hơn, chỉ còn chừng 41-42 triệu đồng/tấn và bình quân giá nội địa trong cả niên vụ vừa qua chỉ chừng 38-39 triệu đồng/tháng. Phải chăng đó là cái giá phải trả để giành lại thị phần xuất khẩu đã vuột mất?
Nói như vậy không có nghĩa là hạt cà phê của ta bị bán phá giá vì theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê xuất khẩu bình quân của nước ta trong bảy tháng đầu năm 2014 là 2.057 đô la/tấn, cao hơn giá giao dịch bình quân cùng kỳ của sàn kỳ hạn robusta Liffe tại London 76 đô la/tấn (ở mức 1.981 đô la/tấn, theo ICO).
Giá cà phê xuất khẩu của một nước sản xuất cao hơn giá niêm yết của sàn kỳ hạn, nghe lạ tai và đó không chỉ là vinh dự, mà còn nói lên năng lực sản xuất hàng cà phê của Việt Nam nay có chất lượng tốt hơn, doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp và uy tín hơn... Đó cũng chính là cơ sở để giữ vững và phát triển thị phần xuất khẩu các niên vụ sau.
Nguồn: Phạm Kỳ Anh (TBKTSG) đăng ngày 26/10/2014
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)