Quy định thuốc bảo vệ thực vật tại VN
Thuốc BVTV vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm, chủ yếu từ Trung Quốc |
Ngành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Việt Nam còn non trẻ, sản xuất chưa đủ để phục vụ nhu cầu của ngành nông nghiệp trong nước. Nhưng thay vì hỗ trợ ngành này phát triển, những quy định xa rời thực tế trong dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV đang khiến ngành này có nguy cơ không thể lớn được. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Những bất cập trong công tác quản lý thuốc BVTV” diễn ra sáng 17-12 tại Hà Nội
Tất cả quy định của dự thảo đều xa rời thực tế
Tại hội thảo, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội hoá chất và Nông nghiệp Hà Nội, dẫn số liệu thống kê trên thế giới cho hay năng suất cây trồng trước thu hoạch bị thiệt hại khoảng 13,8% do côn trùng, 11,6% do các loại bệnh như nấm, vi khuẩn, vi rút và khoảng 9,5% do dịch hại. Tổng năng suất cây trồng bị tổn thất lên đến trên 30%. Vì thế, thuốc BVTV có vai trò không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp.
Song, đến nay ngành sản xuất thuốc BVTV của Việt Nam chưa phát triển, vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm, chủ yếu từ Trung Quốc. Hầu hết các loại thuốc nhập về đều ở dạng nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm sau đó được gia công, đóng gói và cung ứng ra thị trường.
Nhưng thay vì có những cơ chế chính sách hỗ trợ ngành phát triển thì nội dung của Dự thảo Thông tư về quản lý thuốc BVTV lại có nhiều quy định gây bức xúc trong các doanh nghiệp. “Dự thảo thông tư quản lý thuốc BVTV có hơn 100 điều khoản thì cũng có hơn 100 vấn đề xa rời thực tế. Các nhà quản lý hình như đang giành phần dễ dàng cho mình, còn sức ép dồn về các doanh nghiệp thuốc BVTV,” ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) nói.
Theo ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch VIPA, việc đặt ra những quy định trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, khó thực hiện và gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.
Ví dụ về quy định đăng ký thuốc, dự thảo thông tư quy định: Điều kiện đầu tiên để đăng ký sản phẩm vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam là phải có giấy uỷ quyền của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất ra loại hoạt chất đó và bán cho doanh nghiệp Việt Nam, bất kể loại hoạt chất đó đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế; Giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước sở tại về doanh nghiệp thuốc BVTV của nước sở tại; Giấy hợp pháp hoá lãnh sự quán nước ta tại nước sở tại.
“Đây là những quy định không cần thiết, trái với xu thế tự do thương mại hoá trên thế giới khi những hoạt chất thông dụng (generic) đã hết thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế hoàn toàn được tự do thương mại. Đồng thời những giấy tờ còn lại cũng không dễ gì có được,” ông Hùng nói.
Hay như quy định sản phẩm đăng ký phải có các số liệu độc tính do phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO tiến hành các thí nghiệm và có báo cáo thử nghiệm kèm theo. “Đây là những quy định không có khả năng thực hiện vì Việt Nam vẫn chưa có phòng thí nghiệm thuốc BVTV đạt các tiêu chuẩn trên,” ông Hùng nhấn mạnh.
Một ví dụ khác, theo ông Thiệu, trên một đồng lúa có nhiều loại cỏ lá rộng, lá hẹp, một lá mầm, hai lá mầm....nên nông dân có thói quen trộn 2-3 loại thuốc trừ sâu, bệnh, cỏ dại. Nhưng dự thảo thông tư này lại không cho đăng ký các loại thuốc hỗn hợp. Hiện nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng hỗn hợp các hoạt chất trừ dịch hại thì việc quy định này là không cần thiết.
Lo không cạnh tranh được khi hội nhập
Song, bên cạnh những quy định được cho là “khắt khe” thì có một vấn đề mà lâu nay dư luận rất quan tâm là vấn đề giá thuốc BVTV thì dự thảo thông tư lại không hề nhắc tới.
Ví dụ, thông tư chưa có quy định cụ thể biện pháp khuyến khích việc đưa các chế phẩm sinh học vào đồng ruộng, thay thế dần các loại thuốc BVTV có hàm lượng cao. Trong khi đó, hiện việc nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại ở Việt Nam chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và quy mô sản xuất thử nên giá thành còn cao.
Thực tế, trước khi có dự thảo này, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 03/2013/TT-BNNPTNT, mới áp dụng được hơn 1 năm, chưa bộc lộ hết ưu, nhược điểm; các doanh nghiệp thực hiện đang còn phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp thì nay lại ra đời dự thảo thông tư mới với nhiều điều khoản khác hẳn, gây tốn kém, lãng phí công sức, tiền của của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó chủ tịch VIPA, các quy định trong thông tư này hầu hết có tính áp dặt, mệnh lệnh hành chính, có nhiều đoạn trong thông tư còn chưa rõ nghĩa, khó hiểu. Điều đó sẽ gây ra hiện tượng các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý thuốc BVTV ở địa phương sẽ hiểu và áp dụng các quy định một cách khác nhau, không thống nhất, phát sinh tiêu cực.
Sang năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, rào cản thuế quan được gỡ bỏ, kinh doanh giữa các nước sẽ thông thoáng hơn...thì những quy định trên tự gây khó khăn cho chính các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đối với ngành hàng kinh doanh có điều kiện này và chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nước nhà.
Nguồn: TBKTSG Online
Tags:
Nguyen lieu ,
thi-truong-nong-san
Thông tin về tác giả
- Tính tình: Vui vẻ, chịu khó, ham học hỏi, thích sáng tạo,
- Quan tâm: Đam mê nghiên cứu về thị trường nông sản Việt Nam,
- Phương châm: Tích tiểu thành đại - Kiên trì thực hiện.