Cung cầu đầu năm trên thị trường cà phê

Trước những thông tin bất lợi về phía cung như hạn hán, mất mùa, biến đổi khí hậu... liệu giá cà phê trong những tháng sắp tới của năm 2015 liệu có tăng? Thị trường cà phê trong nước không xảy ra hiện tượng bán tháo, vậy giá nội địa sẽ tăng do nhu cầu?
CUNG CÀ PHÊ

Mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2014-15 đã xong. Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhưng tới nay phải nói rằng thị trường vẫn chưa chứng kiến một đợt bán mạnh nào. Có lẽ nhờ vậy mà giá trên thị trường nội địa vững chăng?

Những năm trước vào thời điểm này, nhiều người tranh bán, tạo áp lực làm giá cà phê trong và ngoài nước giảm mạnh. Đua nhau bán, giá rẻ giá đắt gì cũng bán để chạy theo kế hoạch và kim ngạch xuất khẩu, đó là điều không tốt. Nhưng nông sản sản xuất ra, đặc biệt cà phê là mặt hàng được giao dịch trên nhiều sàn kỳ hạn quốc tế, lại là loại hàng dễ bị thay thế, thì việc ôm hàng không bán vì mục đích đầu cơ giá lên có thể có lợi tạm thời trong từng giai đoạn nhưng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thị trường, đặc biệt tự mình thu hẹp thị phần trên thương trường thế giới.

Cả tuần nay, giá cà phê nội địa và kỳ hạn đều giảm. Nếu chỉ xét giá trong tuần qua, ngày đầu tuần là đỉnh và cuối tuần là đáy. Giá kỳ hạn robusta mất 40 đô la/tấn so với đỉnh ngày 19-1 là 1.971 đô la/tấn khi đóng cửa phiên cuối tuần 23-1 chốt mức 1.931 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Cà phê nội địa cũng giảm theo từ 40,6 triệu đồng/tấn đến sáng nay chỉ còn 39 triệu đồng/tấn, mất 1,6 triệu đồng/tấn.

Dù sao, đấy vẫn là các mức cao trong thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, một số yếu tố lạ đáng làm cho người kinh doanh cà phê lo lắng. “Giá cà phê nội địa cao và được giữ vững từ đầu vụ đến nay không xuất phát từ nhu cầu mua hàng. Hình như do ghim hàng và mua bán lòng vòng trên thị trường nội địa, tay qua tay, làm giá thành đội lên dần, không thể khớp với giá xuất khẩu,” một nhà phân tích ngành hàng phát biểu.

CẦU CÀ PHÊ

Thật vậy, nhiều nhà xuất khẩu cho rằng nhu cầu mua hàng của khách ngoại từ đầu niên vụ không nhiều. “Lúc đầu, tưởng họ cẩn thận vì sợ rủi ro không có hàng vì mất mùa nhưng đến nay có lẽ không phải thế. Nhiều khách ngoại còn tồn kho tại kho ngoại quan và kho riêng đều tuồn hàng ra bán lại cho những người có nhu cầu giao hàng hay đầu cơ giá cao,” ông nói tiếp.

Một vị khác phân tích thêm rằng “năm ngoái được mùa, lượng cà phê xuất đi nhiều vì vậy mà nay nhà rang xay chưa vội mua trừ khi giá rẻ, đó cũng là một trong những nguyên nhân mất mùa nhưng giá chưa lên”.

Thật vậy, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 1-2015 ước chỉ chừng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái là 72.000 tấn.

Trong khi đó, một số người sản xuất bắt đầu thấy lúng túng do giá xuống dù biết rất rõ cà phê vụ mới chưa ra bao nhiêu trên thị trường. “Đầu mùa, giá lên 42 triệu đồng/tấn để người nông dân tin giá năm nay sẽ cao. Rồi sau đó, giá dao động liên hồi, nhưng vẫn không vượt quá mức cao ấy. Thậm chí nhiều lúc còn giảm sâu như mấy bữa rày làm mọi người lo lắng và nao núng dù bị mất mùa. Tốt nhất, ai cần tiền chăm lo vườn thì nên bán một ít để chi phí, số còn lại phải chờ cơ hội mới thôi,” một người có tên Trí Nông lên mạng bộc bạch.

THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ BRAZIN

Đến nay, tuy có người tin chắc rằng Brazil gặp hạn hán nặng đầu năm ngoái, đến nỗi đang sợ sẽ có hạn hán cho đầu năm 2015 này nữa, chưa ai giải thích rõ ràng vì sao giá kỳ hạn arabica New York từ 225 xu/cân Anh (cts/lb) vào đầu tháng 10-2014 nay chỉ còn quanh mức 160 cts/lb, giảm 65 cts/lb hay tương đương với mất 1.430 đô la/tấn (biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Diễn biến giá arabica New York (nguồn: TBKTSG Online)
Tuy nhiều dự báo nói rằng sản lượng niên vụ 2014-15 của Brazil bình quân quanh mức 46-47 triệu bao (bao=60 kg) hay có thể khiêm tốn hơn nữa, nhưng chỉ khoanh cứng trong các con số cục bộ với mục đích chứng minh cho giá tăng mà quên mất tồn kho đầu kỳ cực lớn của nước này. Mới đây, công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu của Brazil Comexim ước tồn kho kỳ tính từ 1-7-2014 của Brazil lên đến 10,6 triệu bao.

Thậm chí, theo tính toán của Comexim, nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cà phê năm 2015 của Brazil ước 54 triệu bao. Đến đầu vụ nước này vào ngày 1-7-2015, Comexim vẫn cho rằng tồn kho mang sang bấy giờ có thể đạt 6,7 triệu bao và nhu cầu có thể “choàng” cho đến năm 2016.

Có phải vì vậy mà nay Brazil xuất khẩu ồ ạt và bán với bất kỳ giá nào? Với mức xuất khẩu kỷ lục trong mọi thời đại 36,32 triệu bao trong năm vừa qua, Brazil vẫn đang xuất hàng không chỉ arabica mà cả robusta… thì rõ ràng thông tin hạn hán được cố tình dựng lên để nước này xuất bán lượng tồn kho khổng lồ. Đây là điều rất đáng ngờ vực, thế cuộc của thị trường, số lượng xuất khẩu và hoạt động giá cả trên sàn kỳ hạn arabica New York như thế chưa đủ để chứng minh điều đó sao?
Biểu đồ 2: Cách biệt giá giữa hai sàn arabica và robusta (nguồn: TBKTSG Online)
Nếu các luận cứ trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục, giới kinh doanh cà phê còn có một thông số khác dựa trên hoạt động giá cả của hai sàn kỳ hạn arabica và robusta để chứng minh sự hấp dẫn của từng loại hàng đối với thị trường.

Khi cách biệt giá giữa arabica và robusta càng rộng thì nhu cầu tiêu thụ robusta càng nhiều vì bấy giờ robusta rẻ hơn. Khi cách biệt giữa hai loại này co lại, các hãng rang xay chuộng sử dụng arabica hơn vì giá mềm hơn.

Trong đợt tăng đầu tháng 10-2014, có lúc giá cách biệt (arbitrage) giữa hai sàn cà phê arabica và robusta đạt mức 115 cts/lb nhưng đến nay chỉ còn quanh mức 71 cts/lb (xin xem biểu đồ 3). Giả sử giá mua robusta không đổi ở mức 2.000 đô la/tấn, thì đầu tháng 10-2014 các hãng rang xay phải mua arabica với mức 4.535 đô la/tấn, nhưng hiện nay chỉ ở mức rẻ hơn là 3.565 đô la/tấn. Do mức cách biệt không nhiều, nhà rang xay đang có khuynh hướng sử dụng nhiều arabica hơn.


Nguồn: TBKTSG Online

Tags: ,

Đăng ký nhận tin

Nhận bài viết mới thông qua email đăng ký tại đây

© 2013 Thị trường nông sản. All rights reserved.
Designed by Vietlod