Liệu giá cao su đã chạm đáy năm 2015?
Theo VRC trích trong báo cáo IRSG cho thấy đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên ước khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó, khoảng 11 triệu tấn dùng để sản xuất lốp xe các loại, còn nhu cầu đối với cao su SVR 3L chỉ khoảng 150.000 tấn, tức chỉ bằng một phần ba sản lượng hiện nay của Việt Nam!Hiện giá cao su SVR 3L đang ở mức 30 triệu đồng/tấn, mức giá thấp nhất kể từ năm 2008 (tính theo tỷ giá đô la Mỹ). Các doanh nghiệp cao su đang đứng trước thách thức thay đổi chiến lược kinh doanh: sản xuất những mặt hàng cao su thị trường cần hơn là tập trung vào những mặt hàng ít được tiêu thụ như lâu nay.
Liệu giá cao su đã chạm đáy? |
Giá cao su đã xuống đến mức buộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) phải tổ chức một hội nghị toàn tập đoàn vào cuối tuần trước. Tại đây, các báo cáo đều đề cập nhu cầu thế giới cần gì, và một lần nữa xem lại những sản phẩm Việt Nam đang sản xuất có phù hợp với thị trường hay không. Một kết luận chung là những mặt hàng cao su của Việt Nam hiện nay không đáp ứng tốt nhu cầu thị trường thế giới. Điều này khác hẳn với Thái Lan - nước có sản lượng cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2013, bốn nước nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản đã nhập gần 66% trong tổng số gần 10 triệu tấn cao su thiên nhiên xuất khẩu của các nước, trong đó, nhiều nhất là cao su dùng để sản xuất lốp xe ô tô như SVR 10, SVR 20.
Trong bốn nước xuất khẩu cao su nhiều nhất, Thái Lan - đứng đầu thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên hàng năm, là nước có khả năng đáp ứng cao nhất nhu cầu các loại cao su của các nước nhập khẩu, kế đến là Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu xuất cao su SVR 3L (để sản xuất găng tay, dây thun, đế giày dép) qua Trung Quốc, do nước này có chính sách miễn thuế cho mặt hàng này và do giá SVR 3L thường cao hơn giá SVR 10, SVR 20 khoảng 200 đô la Mỹ/tấn. Có một số công ty từng phải dùng cả văn phòng làm việc để làm nơi chứa vì kho hàng đã đầy ắp cao su SVR 3L.
Mặt khác, thị trường tiêu thụ SVR 3L nhiều nhất là Trung Quốc. Nếu trong tương lai, vì một lý do nào đó, nước này không còn ưu đãi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này nữa thì các công ty nhập khẩu có khả năng sẽ chuyển sang nhập cao su SVR 10, SVR 20 có giá rẻ hơn. Với cơ cấu sản xuất chủ yếu là cao su thiên nhiên SVR 3L chất lượng cao, hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là một bất lợi.
Cơ hội thay đổi
Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho biết trước đây tập đoàn thường làm kế hoạch kinh doanh từng năm một, nhưng do những biến động của thị trường, nay tập đoàn yêu cầu các công ty con, công ty thành viên lập kế hoạch năm năm và đòi hỏi kế hoạch phải đảm bảo có lãi. “Cao su là cây công nghiệp dài ngày và giá cao su biến động từng năm nên không thể đòi hỏi kế hoạch kinh doanh năm sau cao hơn năm trước mà phải tính một chặng đường dài hơn, cụ thể ở đây là năm năm”, ông Thuận giải thích.
Theo giám đốc một công ty trồng và xuất khẩu cao su ở Đồng Nai, để có thể thuyết phục các cổ đông thay đổi chiến lược kinh doanh, ban giám đốc cần có những con số thuyết phục đi kèm. Ông cho biết, cao su SVR 3L là loại tốt được thu hoạch vào sáng sớm, chỉ vài giờ sau khi vừa cạo mủ xong. Còn SVR 10 hay SVR 20 được thu mủ vào cuối ngày, khi cao su đã đông lại, kèm theo đó là một lượng tạp chất nhất định.
Tuy nhiên, chuyển sang thu hoạch cao su dạng đông (để sản xuất SVR 10, SVR 20), năng suất cạo mủ của một công nhân có thể tăng gấp 1,5 lần, lên khoảng 600 cây/ngày; chi phí tiền lương giảm 20%, tương đương 150 đô la Mỹ/tấn. Bên cạnh đó, sản xuất SVR 10, SVR 20 không sử dụng hóa chất nên chi phí đầu vào cũng giảm theo, khoảng 6 đô la Mỹ/tấn; chi phí vận chuyển giảm 35% và nếu công suất chế biến trên 6.000 tấn/năm thì chi phí giảm thêm 20% nữa, tương đương 20 đô la Mỹ/tấn; chi phí xử lý nước thải cũng giảm 50%, tương đương 7-15 đô la Mỹ/tấn. Tính ra, chi phí sản xuất SVR 10, SVR 20 giảm được khoảng 200 đô la Mỹ/tấn.
Ông này cũng tính toán tới việc nhà máy sẽ hoạt động không tới 70% công suất thiết kế nên thay vì đầu tư nhà máy chế biến mủ SVR 10, SVR 20, ông quyết định cho gia công ở nhà máy khác cách đó gần 100 ki lô mét sẽ có chi phí thấp hơn.
Như vậy, đây là cơ hội để các công ty cao su thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung sản xuất những sản phẩm thị trường đang có nhu cầu cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.
Theo: Ngọc Hùng, 2014, TBKTSG Online
Thông tin về tác giả
- Tính tình: Vui vẻ, chịu khó, ham học hỏi, thích sáng tạo,
- Quan tâm: Đam mê nghiên cứu về thị trường nông sản Việt Nam,
- Phương châm: Tích tiểu thành đại - Kiên trì thực hiện.