Sẽ nhập khẩu 81000 tấn đường - 2015

Hàng năm Việt Nam phải nhập tối thiểu 70.000 tấn đường theo cam kết khi gia nhập WTO

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Công Thương đã thống nhất hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2015 là 81.000 tấn. Tuy nhiên, việc giao nhập khẩu đường đang được các bộ tính toán để đảm bảo lợi ích giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng xin cho như những năm qua.

Trong văn bản số 10388/BNN-CB gửi Bộ Công Thương mới đây, Bộ NN-PTNT đã thống nhất về con số 81.000 tấn đường nhập khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, về cơ chế nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị nên có cơ chế công khai, minh bạch và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị liên bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương thay đổi cơ chế nhập khẩu đường.

Hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng đường tối thiểu là 70.000 tấn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song cơ chế nhập khẩu vẫn là giao trực tiếp cho các doanh nghiệp mà không qua đấu thầu công khai.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 77.200 tấn đường. Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn đường cho các doanh nghiệp chế biến, số còn lại cấp cho một số nhà máy tinh luyện đường trong nước; ví dụ như Mía đường Biên Hoà được cấp hạn ngạch nhập 15.000 tấn, Thành Thành Công Tây Ninh 10.000 tấn, Mía đường Lam Sơn 5.000 tấn...

Theo ông Long, cơ chế phân giao này gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước.

Hiệp hội Mía đường đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương thay đổi cơ chế phân giao bằng cơ chế đấu thầu nhập khẩu đường. Phần chênh lệch đấu thầu sẽ được thu vào ngân sách nhà nước, tránh xảy ra cơ chế xin – cho, phát sinh tiêu cực như hiện nay.

Tuy nhiên, tới nay, theo ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường tại Hà Nội, Hiệp hội vẫn chưa họp bàn với liên Bộ về cơ chế phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường mới theo công văn 9604 của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vì thông thường việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu thường tiến hành vào những tháng cuối năm khi kết thúc vụ sản xuất mía đường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 15-12-2014, tồn kho đường khoảng hơn 250.000 tấn và sức mua trong nước vẫn tiếp tục thấp.

Ngoài việc nhập 81.000 tấn đường trong năm nay, liên Bộ còn thống nhất sẽ nhập khoảng 102.000 tấn muối; 46.300 tá trứng gia cầm. Đối với hạn ngạch muối, sẽ phân giao hạn ngạch cho các doanh nghiệp y tế ngay từ đầu 2015; còn lại hai Bộ sẽ thống nhất thời điểm thích hợp cho việc nhập khẩu để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước, không ảnh hưởng đến tiêu thụ của diêm dân.


Nguồn: TBKTSG Online

Tags: ,

Đăng ký nhận tin

Nhận bài viết mới thông qua email đăng ký tại đây

© 2013 Thị trường nông sản. All rights reserved.
Designed by Vietlod