Xu thế giảm giá cà phê khi nào kết thúc?
Giá cà phê nội địa và kỳ hạn xuống mức thấp nhất kể từ nhiều tháng qua. Những yếu tố lũng đoạn giá hoành hành mạnh trên thị trường. Nông dân đang thua lỗ đậm do mất giá, giới kinh doanh đang thiếu hàng giao dẫn đến tình trạng thanh lý hợp đồng: mất uy tín.
Biểu đồ 1: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 |
Mất giá
Giá cà phê nhiều nơi trên các tỉnh Tây Nguyên mất 3 triệu đồng/tấn ngay khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015 vừa chấm dứt vào ngày 12-3-2015. Đây là thời gian giao dịch chậm lại do các nhà xuất khẩu tập trung với các hoạt động lễ hội.
Đến sáng nay 14-3, hai ngày sau khi lễ hội chấm dứt, giá cà phê chỉ còn 35 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước là 38 triệu đồng/tấn. Đấy cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10-2014.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể được chào bán ở mức trừ 10 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn Ice châu Âu, nhiều hơn 20-30 đô la/tấn so với cách nay mấy tuần. Tuy nhiên lượng khớp lệnh trong giao dịch không nhiều do các nhà nhập khẩu chê mắc, chỉ những ai cần giao hàng gấp với các hợp đồng nhỏ từ 40-60 tấn mới mua.
Trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu, giá bất ngờ giảm cực mạnh, đóng cửa phiên ngày 13-3 chỉ còn 1.708 đô la/tấn, là mức thấp nhất kể từ 14 tháng nay (xin theo dõi biểu đồ 1).
Tuy nhiên, nhiều người còn hàng trong tay vẫn kiên tâm đợi chờ như một người ở thành phố Pleiku tự xưng là “Lão nông tri điền” phát biểu trên một mạng thông tin thị trường: “Giá rơi tự do rồi cũng phải dừng. Tôi còn 4 tấn, chờ đến vụ tới bán luôn thể vì sản lượng chưa chắc được…”
Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ tăng (nguồn: tradingchart.com) |
Yếu tố mất giá trong những ngày này còn được tăng cường bởi chỉ số đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ tăng mạnh. Chỉ số này hôm qua đã vượt trên 100 điểm làm giá nhiều loại hàng hóa lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán một phen suy vi như kim loại vàng, dầu thô, bắp, đường ăn, đậu nành và cà phê cũng không được miễn trừ (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Mất mùa?
Thật vậy, chỉ trong vài ngày, giá rơi mạnh làm nhiều người lo lắng dù ước báo của quan chức thuộc Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) tại một cuộc họp trong khuôn khổ lễ hội cà phê ở Buôn Ma Thuột cho rằng sản lượng niên vụ 2014/15 chỉ đạt chừng 22,17 triệu bao (bao=60 kg), giảm 20% so với niên vụ trước.
Ước báo của VICOFA có phần hợp lý vì xuất khẩu cà phê trong mấy tháng gần đây giảm rõ rệt. Tổng cục Hải quan cho biết hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê nước ta giảm 25,3% chỉ đạt 241.000 tấn.
Không chỉ riêng tại nước ta, tin đồn mất mùa liên tục được dấy lên tại nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới là Brazil, kích thích thêm ý định trữ hàng chờ giá tăng. Tuần qua, một tổ chức có tên Fundacao Procafé nói rằng tuy tại Brazil có mưa nhưng đã quá trễ, không cứu kịp sản lượng vụ mùa năm sau của nước này. Tổ chức này ước báo sản lượng cà phê năm tới của Brazil chỉ ở mức 40,3-43,25 triệu bao, giảm ít nhất 2 triệu bao so với niên vụ này. Dự báo này so ra có nhỏ hơn các con số của các đơn vị khác như của Terra Forte – 47,28 triệu bao, Olam International – 49 triệu bao, Volcafe – 49,5 triệu bao, Conab – 44,1-46,6 triệu bao.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) Roberia Silva cho rằng sản lượng năm nay mất đã đành, năm tới thế giới còn thiếu đến 8 triệu bao do hạn hán tại Brazil quê hương ông. Những phát biểu thế này lại có thể kích động phong trào trữ hàng mạnh. Tuy nhiên mình càng trữ, Brazil càng bán ra. Trong tháng 2-2015, Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) báo rằng nước này xuất khẩu 2,19 triệu bao (bao=60kg) cà phê arabica, và robusta đạt 249.324 bao, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 68%. Tuy lượng không nhiều nhưng có thể trám được thiếu hụt và giành thị phần xuất khẩu loại cà phê này của nước ta.
Mất mặt!
Ngay đầu vụ, giá cà phê nội địa được đẩy lên 41 triệu đồng/tấn khi giá trên sàn kỳ hạn được đẩy lên quanh mức 2.200 đô la/tấn. Sau hơn 5 tháng, giá kỳ hạn nay chỉ còn quanh mức 1.700 đô la/tấn và nội địa 36 triệu đồng/tấn. Giá còn đi tới đâu nữa? Chưa ai dám nói điều gì.
Theo biến động của thị trường, giá tăng đầu vụ là một “quả lừa” gây họa nhiều hơn phúc vì nhiều người cứ tưởng giá còn tăng khi vào vụ và đua nhau trữ hàng, thiếu tiền mua hàng, đua nhau gởi hàng, để rồi hàng chủ yếu đổ vào kho của vài tay đầu cơ.
Giá kỳ hạn xuống mạnh đang gây áp lực chốt giá hàng gởi trên sàn. Chốt giá “chặn lỗ” (stoploss) được thực hiện cả tự nguyện lẫn tự động khi hai bên mua bán sợ giá xuống sâu hơn mức tiền đã tạm ứng, thường vào khoảng 70% giá trị thị trường thời điểm, bên bán phải chốt bán giá rẻ bao nhiêu, bên mua hứng mua thoải mái bấy nhiêu.
Mặt khác, do siết hàng không bán hoặc bao nhiêu hàng bán ra đều vào tay các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, nhiều nhà xuất khẩu nước ta đang dở khóc dở cười đàm phán thanh lý hợp đồng chịu phạt do không có hàng giao (wash-out).
Hiện tượng này đã từng xảy ra trong niên vụ 2010/11 khi ngành cà phê bị tai tiếng do không có khả năng thực hiện hợp đồng.
Chỉ điều có khác là trước đây giá tăng mạnh, các nhà xuất khẩu bán ra nhiều nên thua lỗ đành phải thất hứa. Còn hiện nay, giá quanh mức 40-41 triệu đồng/tấn trong thời gian dài, nhưng hàng không đủ để xuất khẩu qua đường chính thức dù giá ấy có thể chấp nhận được.
Cách đây mấy năm, có người đã từng lên tiếng phản ứng với chủ trương tạm trữ và cho rằng tạm trữ là “tự trảm”. Những gì đang xảy ra trên thị trường cà phê nước ta hiện nay quả không sai.
Nguồn: Nguyễn Quang Bình (TBKTSG Online) ngày 14/03/2015
Tags:
Ca phe ,
thi-truong-nong-san
Thông tin về tác giả
- Tính tình: Vui vẻ, chịu khó, ham học hỏi, thích sáng tạo,
- Quan tâm: Đam mê nghiên cứu về thị trường nông sản Việt Nam,
- Phương châm: Tích tiểu thành đại - Kiên trì thực hiện.