5 ưu điểm của quỹ mở - open fund

Theo ông Hiramoto Hiroshi, TGD CTCK của Nhật Bản, quỹ mở có ít nhất 5 điểm hấp dẫn so với các loại hình đầu tư khác. Tại Nhật Bản, mô hình quỹ mở chiếm tới 80 - 90% quỹ đầu tư.
  1. Thứ nhất, quỹ mở luôn đảm bảo tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, với số tiền rút ra gần sát với giá trị tài sản ròng của quỹ.
  2. Thứ hai, với một số vốn không lớn, nhà đầu tư có thể đa dạng danh mục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… Trong khi đầu tư theo kiểu nhỏ lẻ như hiện tại, không dễ làm được điều này, nên khó phân tán rủi ro. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn đầu tư vào thị trường trái phiếu từ nhiều năm nay, nhưng không thể, do nhiều hạn chế. Khi quỹ mở đi vào hoạt động, việc đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam của chúng tôi sẽ có cơ hội được hiện thực hóa.
  3. Thứ ba, danh mục đầu tư của các quỹ mở thường được chọn lọc kỹ lưỡng thông qua đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Điều này góp phần đảm bảo cho khoản mục đầu tư của nhà đầu tư có cơ hội sinh lời tốt hơn so với đầu tư nhỏ lẻ.
  4. Thứ tư, quỹ mở được vận hành bởi một ban đại diện chuyên nghiệp, am hiểu sâu về thị trường, nên trong quá trình đầu tư họ sẽ có sự phản ứng linh hoạt, hiệu quả hơn so với kiểu đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Với nhà đầu tư nước ngoài, lợi thế này rất quan trọng, bởi họ không đủ thời gian, nhất là khó có điều kiện tìm hiểu sâu sắc thông tin về doanh nghiệp, về thị trường Việt Nam để đưa ra chiến lược đầu tư hiệu quả.
  5. Thứ năm, đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi khoản tiền họ chuyển vào Việt Nam mà chưa giải ngân thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn, với tỷ lệ gần như không đáng kể. Tuy nhiên, khi tham gia quỹ mở, họ có cơ hội được nhận một tỷ lệ lãi suất hấp dẫn hơn mức lãi suất không kỳ hạn hiện nay.
(Theo Đầu tư chứng khoán)

Tuy nhiên, không phải mọi đặc tính của quỹ mở đều “màu hồng”, vì vẫn tồn tại những bất lợi mà nhà đầu tư cần biết khi cân nhắc tham gia mua chứng chỉ quỹ mở.
  • Chi phí mua bán: Trong hầu hết các giao dịch, nhà đầu tư phải trả một khoản phí để mua (front-end load) và bán (back-end load) chứng chỉ quỹ mở với giá trị dựa trên NAV hiện tại.
  • Tiền mặt dự phòng không hiệu quả. Quỹ mở thường phải duy trì một lượng tiền mặt khá lớn để phòng ngừa việc phải mua lại một số lượng lớn chứng chỉ quỹ. Mặc dù điều này mang lại tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư, nhưng nó lại làm giảm lợi suất tiềm năng của danh mục.
  • Tính ổn định của danh mục đầu tư không cao. Công ty quản lý quỹ chịu áp lực phải mua lại chứng chỉ quỹ khi có yêu cầu của nhà đầu tư, vì thế cơ cấu đầu tư vốn của quỹ mở không ổn định so với quỹ đóng. Tăng trưởng NAV nhiều khả năng khó có đột biến do áp lực rút vốn này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn có thể rút nhanh khỏi thị trường khi có những biến động bất lợi; và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của TTCK.
  • Nhà đầu tư vẫn có thể bị công ty quản lý quỹ từ chối mua lại chứng chỉ quỹ, khi không thể xác định được NAV (trường hợp chứng khoán trong danh mục đầu tư của quỹ bị hủy niêm yết), hoặc khi công ty không bán được tài sản trong danh mục đầu tư (do tài sản bị mất tính thanh khoản hoặc chứng khoán trong danh mục của quỹ nằm trong diện giải thể, phá sản).
  • Hạn chế giao dịch. Hoạt động mua bán thường chỉ diễn ra vào cuối ngày khi việc tính toán NAV hiện tại của mỗi đơn vị chứng chỉ quỹ được hoàn tất. Do đó, nhu cầu mua/bán giữa phiên giao dịch không thể thực hiện được.
  • Rủi ro biến động thị trường. Mặc dù hoạt động của quỹ mở luôn được tích cực theo dõi và có thể tính được giá trị NAV của quỹ thường xuyên; nhưng vẫn có những rủi ro đi kèm khi hiệu suất sinh lời phụ thuộc khá nhiều vào mức độ thăng trầm của thị trường.  Nguồn: Vietstock

Tags:

Đăng ký nhận tin

Nhận bài viết mới thông qua email đăng ký tại đây

© 2013 Thị trường nông sản. All rights reserved.
Designed by Vietlod